Đặc Sắc Ẩm Thực Miền Tây Mùa Nước Nổi

1. LẨU/CANH CÁ LINH BÔNG ĐIÊN ĐIỂN

Cá linh và bông điên điển là sự kết hợp kinh điển của ẩm thực miền Tây mùa nước nổi. Cá linh đầu mùa tầm tháng 9-10 là cá linh non, thịt mềm, hầu như không có xương, thịt ngọt. Đúng độ ấy, bông điên điển cũng vào mùa trổ bông, những bông hoa dại màu vàng ươm, vị giòn, bùi. Vị ngọt từ cá linh, chua chua, thơm giòn của bông điên điển chấm với nước mắm mặn pha ớt... tạo nên một món ăn tuyệt tác miền sông nước mà không đâu có được. Tuy nhiên, không phải lúc nào đến miền Tây bạn cũng có thể ăn được món ăn này bởi bông điên điển chỉ có theo mùa, cá linh cuối mùa có nhiều xương hơn, nấu canh, nấu lẩu không còn ngon như trước. Do đó, hãy tranh thủ thời điểm vàng này để thưởng thức món ăn "cộp mác" mùa nước nổi.

canh điên điển

2. CHUỘT ĐỒNG NƯỚNG LU

Nếu không phải dân miền Tây, nghe thấy thịt chuột nhiều người sẽ không dám ăn. Nhưng thực tế đây là những chú chuột đồng, chuyên ăn lúa gạo nên không mang nhiều vi khuẩn như chuột cống. Thịt chuột có thể nướng tẩm ướp các loại gia vị như muối ớt, sả... Cách đặc biệt nhất ở miền Tây chính là nướng lu. Chuột để nướng lu phải là những chú chuột đã ăn no lúa chín, béo múp, được làm sạch ruột, cắt móng, rồi tẩm ướp gia vị, sau đó móc từng con vào lu. Vừa quay vừa trở tay, thêm mỡ, thêm nước gia vị, khoảng một tiếng sau thì chuột chín vàng. Thịt thơm, mềm và da rất giòn, ngon.

chuột nướng

3. CÁ LÓC NƯỚNG TRUI

Cá lóc có thịt chắc, ngọt, xuất hiện nhiều vào mùa nước. Ngoài canh chua cá lóc nổi tiếng, loại nguyên liệu này có thể nướng trui kiểu dân dã mang đậm hương vị đồng quê. Con cá sau khi được làm sạch ruột sẽ được xiên vào que tre, cắm xuống đất rồi phủ rơm lên và đốt. Yêu cầu khó nhất là để cá không bị khét hoặc sống. Phải phủ rơm vừa đủ, rơm ít cá sẽ sống, khi ăn có mùi tanh còn rơm nhiều quá cá khét thì ăn bị đắng. Cá lóc nướng trui ngon nhất khi vừa chín tới, thịt trắng phau được bao bọc bởi lớp vảy cháy xém. Ngon nhất là ăn cuộn bánh tráng, kèm các loại rau thơm, chuối xanh, dưa chuột, khế và chấm nước mắm me. 

cá lóc

4. BÔNG SÚNG MẮM KHO

Bông súng cũng là loại nguyên liệu đặc trưng chỉ có ở mùa nước nổi đồng bằng sông Cửu Long. Chúng mọc ở vũng đất trũng, đọng bùn, khi mùa nước về, bông súng trồi lên. Chúng có thể chế biến món ăn sau khi được tước hết lớp vỏ bên ngoài, xắt khúc ngắn và để ráo nước. Mắm dùng để kho thường là cá linh hoặc cá sặc. Mắm phải nấu nước sôi bỏ vào, lọc bỏ xương, bỏ sả bằm, rồi tép, hến hay cá lóc được bỏ vào đúng lúc khi mắm vừa sôi lại. Mắm kho thơm ngon hòa quyện vị cay của ớt, the của sả, ngọt của tép, giòn của bông súng.

bông súng

5. BÁNH XÈO BÔNG ĐIÊN ĐIỂN

Bánh xèo miền Nam có vị khác với bánh xèo miền Trung, trong đó bánh xèo miền Tây cũng có nhiều điểm thú vị, đặc biệt hơn. Đó là vào mùa nước, người ta bổ sung thêm nhân bánh là những bông hoa điên điển đặc trưng. Bột làm vỏ bánh là bột gạo pha với nước cốt dừa cho loãng, thêm chút bột nghệ vào cho bánh được vàng và thơm. Nhân bánh gồm thịt heo xắt miếng nhỏ, ướp gia vị xào cùng bông điên điển vị giòn ngọt. Bánh xèo bông điên điển là tổng hòa của nhiều hương vị rất hài hòa có chua cay của nước chấm, ngọt của tôm thịt, giòn giòn của vỏ bánh, bông điên điển và bùi bùi của mỡ hành. Bánh được ăn với các loại rau trong vườn nhà như: đọt bằng lăng, đọt xoài, đọt điều, lá mơ...

bánh xèo

6. CÁ LINH KHO 

Cá linh là loại đặc sản ngon đầu mùa nước nổi nên ngoài lẩu cá linh bông điên điển, chúng còn được dùng để chế biến các món khác như cá linh kho tiêu và đặc biệt hơn là kho mía. Thịt cá đẫm vị ngọt tự nhiên của mía, quyện với mỡ hành, tiêu ớt, tạo nên món ăn dân dã mà tuyệt hảo. Đầu cá kho với mía đầu cá sẽ rất mềm, có thể ăn được. Cây mía, róc bỏ vỏ, chẻ nhỏ để dưới đáy nồi, rồi cho cá, nước dừa xiêm vào ngập xâm xấp, để lên bếp đun với ngọn lửa riu riu cho đến khi nước dừa rút cạn, cá chín, xương mềm rục là được. Cuối cùng, người ta cho thêm vào một ít tiêu xay, vài trái ớt hiểm chín để hoàn thành món ăn.

cá linh kho

7. CÁ RÔ KHO TIÊU

Thủy hải sản miền Tây vào mùa nước nổi rất thơm ngon. Những con cá linh, cá sặc và cả cá rô chắc thịt từ thượng nguồn đổ về đã mang đến cho người dân miền Tây nhiều món cá kho ngon đúng điệu. Cá rô đem tẩm ướp gia vị cho thật đậm, đặc biệt là tiêu xay rồi kho trên mức lửa nhỏ để mềm, thấm. Món cá này mà ăn cùng cơm trắng, nóng hổi thì không gì có thể sánh bằng.

cá rô kho

8. HẸ NƯỚC

Mỗi năm cứ đến mùa nước nổi, cây hẹ nước sinh sôi nẩy nở, đã đem lại cho một món ngon dân dã lại hấp dẫn mà đặc biệt chỉ có ở vùng đất miền Tây. Kêu là hẹ nước vì nó mọc dưới nước, ở trong các thửa ruộng phèn, gốc bám sâu dưới bùn đất, bụi hẹ vươn lên khỏi mặt nước và xòe ra xung quanh, lá tỏa ra dập dềnh, dập dềnh. Nó không giống với hẹ trên cạn chút nào hết. Hẹ trên cạn dày lá nhưng bề ngang lá hẹp, màu xanh sẫm. Hẹ nước lá mỏng, có gân trắng chính giữa và giống lá sả hơn, nhưng không dày, cứng, có lông tơ như lá sả, mà mỏng, mềm, hơi trong trong, màu xanh nhàn nhạt như lá sả. Lá hẹ nước mềm, xốp và giòn, vị ngọt thanh mát rượi.

hẹ nước

Từng mớ hẹ ngon lành được giũ bùn sạch sẽ rồi đem về cho vô thau lớn đổ nước sạch vô ngâm khoảng một giờ đồng hồ cho dễ rửa. Lúc nào ăn người ta xếp hẹ lên đĩa bàn lớn. Ðể nguyên gốc rễ ăn vẫn được nhưng nếu muốn nhìn thấy đẹp mắt thì lấy kéo cắt bỏ phần rễ đi. Khi ăn cuộn nó lại thành một cuộn cỡ ngón chân cái, chấm vô mắm kho, thịt kho, cá kho nhất là cá rô kho. Vị ngọt đặc trưng của nó lẫn vị mặn ngọt của nước cá, vị thơm nồng của tiêu, thịt cá vừa dày vừa béo ngon khó tả.

9. CUA ĐỒNG

Nguồn nước dồi dào không chỉ mang đến cá tôm mà còn là sự trù phú của cua đồng, thức quà dân dã nhưng chẳng thua kém về độ hấp dẫn. Cua tầm này đã chắc thịt, càng to nên được cho vào món phụ sau bữa ăn để nhâm nhi đỡ “buồn” miệng. Thịt cua đồng tuy không mươn mướt, ngồn ngộn như cua biển nhưng vẫn có độ ngọt và dai thơm đặc sắc.

cua đồng

Nếu thân cua thường dùng để nấu canh, lẩu hay bún riêu thì càng cua còn được yêu thích nhiều hơn hẳn. Càng cua to, cứng cáp và chắc thịt sẽ chế biến theo kiểu hấp sả, luộc hay rang muối. Dù là hình thức gì cũng vẫn khiến người ta “nao lòng” vì độ ngọt béo tự nhiên. Thú vui của người miền Tây độ này là ngồi thi nhau cắn càng cua đấy.

10. RẮN NƯỚNG

Mùa nước nổi về, nước lên ngập những cánh đồng nên rắn cũng bò lên những mô đất cao, tán cây nhiều, đó cũng là thời điểm bắt đầu mùa săn của những người dân Miền Tây Nam Bộ. 

 rắn nướng

Các món ngon từ rắn như: chiên giòn, nấu cháo đậu xanh, xào xả ớt, nướng lèo, hầm sả, gỏi, lẩu… cũng là đặc sản khó quên. Mùa nước, rắn nhiều vô kể, bắt về ăn không hết nên người dân làm khô. Khô rắn bề ngoài rám nắng nhưng bên trong thịt vẫn còn tươi… Người ta thường chọn các loại rắn nước, rắn bông súng, ri voi, ri cá … để làm khô rắn. Thường khô rắn được du khách thưởng thức tại chỗ bằng cách nướng trên lửa than hồng. Lửa nướng vừa phải, hơi nóng sẽ làm thịt chín cả trong lẫn ngoài, bay tỏa mùi thơm ngọt ngọt tự nhiên.

11. LƯƠN NƯỚNG

Trong vô vàn sản vật tự nhiên của mùa nước nổi miền tây, như: bông súng, bông điên điển, cá linh, cua, ốc, rắn… thì lươn đồng có giá trị kinh tế khá cao và được xem món ăn đặc sản. Theo Đông y, thịt lươn có tác dụng bồi bổ khí huyết, trị suy dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe…

lươn nướng

12. ỐC BƯU NƯỚNG TIÊU

Vào mùa nước nổi, những con ốc bươu béo mập, săn chắc được ngâm nước gạo qua đêm để loại bỏ bùn đất, xả sạch với nước. Uớp ốc với tiêu xay, tiêu sống, mắm, bột ngọt, đường khoảng 10 phút cho thấm gia vị rồi nướng trên bếp than khoảng 3-5 phút là được. Vị ngọt của thịt ốc bươu hòa quyện cùng nước mắm chua chua của chanh, cay cay và nhất là hương vị đặc biệt của tiêu, tan trong đầu lưỡi …sẽ làm cho bữa ăn đặc sản mùa nước nổi miền Tây thêm phần đậm đà, khó cưỡng.

ốc bưu

13. TÉP XÀO BÔNG ĐIÊN ĐIỂN

Bông điển điển là đặc sản quá nổi tiếng mà không thể không nhắc đến khi nói về mùa nước nổi miền Tây. Tuy nhiên,  người dân thường không ăn trực tiếp mà kết hợp với các thức khác để chế biến thành những món ngon. Nước lênh láng nên những khóm điên điển chính là chỉ dấu của bờ bến. Chỉ tốn công chống xuồng ra, rướn người tuốt ở vài cành là đã có rổ bông điển điên vàng óng, đem về rửa sạch rồi để cho ráo nước.

tép xào

Tép thì đặt lọp qua đêm là đã đầy thau, tươi rói. Đem rửa rạch, nhặt rác, rồi cho một ít các gia vị, thêm muỗng cà phê đường, đảo điều và để chừng mươi phút cho thấm. Bắc chảo dầu nóng, cho tép vào rang đến độ vừa chín giòn vỏ.

Nguồn: Sưu Tầm