Thương Nhớ Những Món Ăn Đặc Sản An Giang, Nghe Tên Đã Thấy Thèm !!

1. ĐU ĐỦ ĐÂM TRI TÔN

Món đặc sản An Giang đầu tiên mà bạn phải thử khi ghé thăm mảnh đất này chính là món đu đủ đâm Tri Tôn. Đây là món ăn đặc sản có một không hai của người dân Khmer vô cùng lạ miệng.

 đu đủ

Khác với món gỏi đủ đủ thông thường, đu đủ đâm có nhiều thành phần hơn như rau muống, đậu đũa hòa cùng chanh, cà chua, mắm ruốc… Các nguyên liệu này sẽ được cho vào một chiếc cối, trộn đều các nguyên liệu lại với nhau, sau đó dùng một cái chày đâm nhẹ cho hỗn hợp thấm đều. 

Cuối cùng cho ra đĩa và rải thêm mặt một ít đậu phộng rang để món ăn trông bắt mắt hơn. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận rõ vị giòn của đu đủ hòa cùng vị đặc trưng của mắm ruốt, cái chua thanh của chanh. Tất cả tạo nên một cảm giác nồng nàn, đậm đà khó có thể cưỡng lại được.

2. BÁNH BÒ THỐT NỐT

Bánh bò thốt nốt giờ đây đã là một món ăn khá phổ biến trên khắp mọi miền của đất nước vì nguyên liệu để làm bánh rất quen thuộc dễ tìm như bột gạo, nước dừa, đường thốt nốt... thế nhưng với người sành ăn thì không đâu ngon bằng bánh bò ở An Giang.  

bánh bò

Làm bánh bò vốn đã khó, làm bánh bò thốt nốt lại càng khó hơn vì có thêm nhiều công đoạn. Nếu người làm bánh không có kinh nghiệm hoặc thiếu đi sự khéo léo, bánh hấp xong sẽ không nở hoặc mùi vị bánh không thơm ngon. 

Chiếc bánh bò sau khi nấu chín có màu vàng tươi của thốt nốt, xen với chút trắng sữa của cơm dừa và mùi thơm của nếp, của lá quyện vào nhau rất đặc trưng. Cùng với đó là vị ngọt thanh thanh, béo béo của chiếc bánh khiến không chỉ người dân địa phương mà du khách bốn phương đều yêu thích. 

3. CƠM TẤM LONG XUYÊN

Khi du lịch An Giang, ghé đến thành phố Long Xuyên ngoài những món ăn đã quen thuộc như bún, bánh canh, hủ tiếu, phở,… thì bạn nhất định phải thử món ăn đặc sản cơm tấm nức tiếng của nơi này. 

Cũng tương tự như cơm tấm Sài Gòn, cơm tấm ở đây chỉ có một số thành phần khá đơn giản thế nhưng điều tạo nên sự khác biệt cho món đặc sản An Giang này chính là nhờ quá trình tẩm ướp nguyên liệu cũng như cách trình bày.

cơm tấm

Không giữ lại nguyên miếng sườn to bản mà chúng đều được thái thành lát dài, tẩm ướp gia vị rồi nướng chín trên bếp than hồng. Khi chín, miếng thịt được thái thành từng lát mỏng, nhỏ vừa miệng. Bên cạnh đó đĩa cơm tấm ở đây còn có trứng kho cắt mỏng, cùng với đó là bì, dưa chua, và chén nước mắm chua ngọt để thực khách khi ăn không bị ngán.

4. BÚN CÁ LÓC ĐỒNG

Nhiều người nói rằng nếu như du lịch An Giang mà không thử món bún cá lóc thì xem như chuyến đi của bạn chưa được trọn vẹn. Món bún cá được bán ở nhiều nơi ở An Giang, dù là ở Long Xuyên, Châu Đốc hay Tân Châu bạn đều có thể thưởng thức món đặc sản ngon tuyệt này.

Đặc sản An Giang này chuẩn vị và ngon nhất phải được nấu bằng cá lóc đồng; nước lèo có màu vàng nghệ, nước trong thơm mùi ngải bún, không có dầu mỡ. Ben cạnh đó miếng thịt cá khi xào lên phải có màu vàng đẹp, vừa ăn mà không bị bể. 

bún cá lóc

Đặc biệt món ăn phải dùng kèm với các loại rau như bắp chuối bào, rau muống sợi, giá, bông điên điển kèm theo rau nhút; chấm với nước mắm me chua ngọt, cộng với ớt hiểm cay cay sẽ khiến bạn chỉ muốn ăn mãi mà chẳng thấy ngán. 

5. LẠP XƯỞNG BÒ (TUNG LÒ MÒ)

Tung lò mò là món ăn truyền thống của người Chăm sinh sống ở các vùng Tri Tôn, Tịnh Biên và Châu Phong nên đây luôn được xem là đặc sản An Giang rất được ưa chuộng. Những người Chăm theo Đạo Hồi, họ không ăn thịt heo nên thịt bò là nguồn cung cấp thịt chính.

Tung lò mò thực chất là món lạp xưởng bò được làm từ thịt bò vụng trộn chung với mỡ bò và ruột bò xoay nhuyễn. Để tăng thêm hương vị người Chăm còn sử dụng thêm cơm nguội đã lên men để cho vào món lạp xưởng và tạo ra vị chua đặc trưng.

tung lò mò

Miếng lạp xưởng ngon nhất là khi nướng trên bếp than, mỡ bò tan chảy tỏa ra mùi thơm ngào ngạt, lạp xưởng được nêm vừa miệng, vị mặn, vị ngọt và vị chua chua kết hợp cũng vị béo của mỡ bò làm cho món ăn ngon khó cưỡng.

6. GÀ ĐỐT Ô THUM

Món đặc sản An Giang này thực chất có nguồn gốc từ Campuchia, nhưng khi du nhập đến đây nó được biến tấu để hợp với khẩu vị của người Việt và từ đó trở thành món ăn quen thuộc của người dân ở Hồ Ô Thum, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, An Giang.  

gà đốt ô thum

Gà sau đốt chín, da chuyển sang màu vàng hấp dẫn, các nguyên liệu thấm đều vào thịt gà, món ăn vừa giữ được vị ngọt tự nhiên, vừa hòa quyện mùi thơm đặc trưng của lá chúc và sả. Gắp từng miếng thịt gà chấm vào chén muối ớt chanh hoặc nước mắm, ăn kèm gỏi rau chua cay đậm vị thì còn gì tuyệt bằng. 

7. ỐC BƯU LUỘC

Ốc bươu là món ăn dân dã, quen thuộc và rất được ưa chuộng ở Việt Nam. Nếu như ở khu vực phía Bắc có món bún riêu ốc, ốc chuối đậu, ốc luộc lá chanh.... thì vùng Nam Bộ có món ốc um, ốc nướng nước mắm, ốc nấu với chuối xanh, ốc nhồi thịt,… nhưng ốc luộc mới chính là món được ưa chuộng nhất ở đây.

Ốc bươu luộc ngon hay không là ở bí quyết luộc. Ốc luộc phải đi kèm với các phụ liệu như sả cây, lá chanh hoặc lá bưởi, tía tô, gừng củ, muối. Thiếu một món thì món ốc luộc không thể tròn vị được.

ốc bưu

Khi ăn, phải kèm theo chén nước chấm được làm bằng nước mắm ngon pha với gừng vàng, ớt đỏ giã nhỏ, thêm tí bột ngọt và vắt thêm quả tắt xanh nữa là đủ để tạo nên một món đặc sản An Giang dân dã mà hấp dẫn khó quên.

8. ẾCH NƯỚNG

Thêm một món đặc sản An Giang của huyện Tri Tôn nữa là món ếch nướng. Ban đầu ếch nướng chỉ là một món ăn ăn chơi dân dã cho những đứa trẻ trong sóc, nhưng đến nay nay lại trở thành một món ăn hấp dẫn níu chân du khách khi đến tham quan vùng Bảy Núi.

ếch nướng

Để có món ếch nướng ngon, đòi hỏi sự kỳ công và khéo léo của người chế biến, trong đó quan trọng nhất là khâu nướng. Nếu lửa quá to thịt ếch sẽ bị ám khói, khi ăn sẽ có mùi hôi, vậy nên phải canh sao cho bếp lửa chỉ được riu riu vừa đủ, khi nướng phải xem chừng và trở đều liên tục để thịt ếch được chín vàng đều, tỏa hương thơm phức kích thích vị giác bao thực khách. 

9. BÁNH XÈO CHÙA

Thời gian đầu chỉ làm ít và nhỏ lẻ để Phật tử thưởng thức như một kiểu ăn chơi. Tuy nhiên, ngày càng nhiều khách phương xa đến chùa để thưởng thức món ăn này. Chính vì vậy, từ một vài chiếc chảo thì nay chùa đã có lên đến 40 chảo bánh, hoạt động liên tục tất cả các ngày trong tuần.

bánh xèo

Kinh phí để duy trì hoạt động đổ bánh xèo chay miễn phí phục vụ thực khách là do các Phật tử tự nguyện đóng góp. Người ta không câu nệ chuyện chi phí quá nhiều, mà hầu như ai cũng có lòng thành muốn đóng góp công sức để duy trì việc làm tốt đẹp và có ý nghĩa của nhà chùa.

10. NƯỚC THỐT NỐT

hốt nốt không chỉ là nét đặc trưng, mà còn là một đặc sản của An Giang. Trong đó nước thốt nốt và quả thốt nốt được xem là gần gũi nhất với người dân và du khách khi được bán khá phổ biến ở những quán nước ven đường và các khu chợ ở Châu Đốc.

nước thốt nốt

Về xứ thốt nốt, còn gì tuyệt vời hơn khi đi đường nắng mệt ghé một quán ven đường, kêu ly thốt nốt lạnh rồi ung dung thả mình xuống võng, vừa được nghỉ ngơi, vừa có thể thưởng thức cái ngọt thanh của nước thốt nốt, dường như uống đến đâu là tỉnh đến đấy. Thế nên sẽ chẳng quá lời khi nói đây là thức đặc sản An Giang khiến người ta mê mẩn ngay từ lần đầu thưởng thức. 

Sức hút của ẩm thực An Giang là sự pha trộn của một nền văn hóa ẩm thực đa dạng nhưng mỗi món ăn lại mang bản sắc riêng. Có thể nói tuy những món đặc sản này đơn giản nhưng cũng thật tinh tế khiến cho người lữ khách một lần du dịch An Giang được nếm thử đều khó có thể quên được những hương vị độc đáo và hấp dẫn ấy.

Nguồn: Minh Nguyên