LÀNG NGHỀ CÁ KHÔ BÌNH THẮNG - BẾN TRE

Một trong những làng nghề cá khô nổi tiếng ở miền Tây là làng nghề cá khô Bình Thắng, thuộc huyện Bình Đại tỉnh Bến Tre. 

Làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng được biết đến là làng nghề lâu đời và lớn nhất tỉnh Bến Tre. Với lợi thế giáp cửa biển, thêm nhiều kênh rạch, giúp Bình Đại trở thành vùng có nguồn tôm cá dồi dào nhất so với các huyện khác của Bến Tre.



Từ cá nước ngọt, nước lợ đến nước mặn đều có đủ. Ở đây, có một loại khô đặc sản là khô cá ngát, rất ngon và hiếm có khó tìm. Cá được xẻ tươi, ướp gia vị rất vừa, phơi xong cá trong, đỏ au, ăn rất ngon. Ngoài ra, khô cá đù một nắng, khô mực, khô cá đuối cũng là những đặc sản của làng. Trước đây, làng nghề vốn chỉ tập hợp những hộ làm khô nhỏ lẻ, lâu dần phát triển rộng, cung cấp khô cho nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Khô được phơi thủ công, tự nhiên dưới nắng nên rất ngon và được nhiều nơi ưa chuộng. Vào những ngày gần Tết, làng nghề càng nhộn nhịp để có thể cung cấp khô đủ và kịp cho thị trường.

Sáng sớm, gần chục nhân công đã tập trung về Cơ sở Mỹ Nhiên (chuyên sản xuất cá khô và hải sản đông lạnh) tại cảng cá Bình Thắng để làm sạch, xẻ, tẩm ướp... mẻ cá lưỡi trâu. Nắng vừa lên, mẻ cá được đem ra giàn phơi ngay tại cảng cá. Vì là nơi sát bờ sông, nắng nhiều và không có khói bụi nên nhiều hộ chọn làm điểm phơi cá để đảm bảo sản phẩm sạch. Bà Nguyễn Thị Mỹ Xuân, chủ cơ sở Mỹ Nhiên cho biết: “Làng nghề cá khô Bình Thắng hoạt động quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất là những tháng gần Tết vì nhu cầu của thị trường lớn. Sản phẩm của làng nghề rất phong phú như: cá khô, cá tẩm gia vị, cá một nắng, mực một nắng...”. 

Khi ngư dân đánh bắt cá đem về cảng, cập bến với những chiếc ghe, chiếc tàu đầy ắp thủy sản đem về, cá lớn, cá bé, con tươi, con muối đá, to nhỏ có đủ loại. Người ta vận chuyển cá đến những cái xưởng nhỏ chuyên làm khô. Ở đây, những người làm thuê đa số là dân địa phương trong xã, trong ấp đó, không đâu ai xa lại, mà có khi cả chủ xưởng cũng vậy, cũng là một người con miền Tây, lớn lên từ nhỏ gắn với cái làng cái xã đó, làm ăn có chút phát đạt về mở xưởng hỗ trợ công ăn việc làm cho bà con, cũng để phát triển cái nghề phơi cá làm khô này.


Sau khi cá được chuyển đến xưởng, mọi người chia nhau mang cá về bàn của mình rồi xẻ khô. Ta nói, ai mà tận mắt xem cảnh mấy cô chú anh chị ở đây xẻ khô mới lạnh sống lưng. Con dao trên tay nhỏ xíu, bén thiệt bén, xẻ thoăn thoắt không cần nhìn xuống, tay lấy cá, tay lóc xương chẻ con cá làm 2 ngọt xớt chỉ trong vài giây ngắn ngủi.



Ta nói, thấy vậy chớ không phải vậy, nghề này cũng khổ trăm đường, có hôm trời không rải một giọt nắng nào trên cái sân xi-măng đó hết, như vậy phải đem sấy gấp, lại tốn thêm điện, nên nhà xưởng phải giảm tiền công của cô chú làm thuê một chút, cũng có mùa cá không đủ làm, cô chú phải thất nghiệp rồi đi làm mướn, làm cỏ thuê đợi mùa cá trúng. Cũng có những hôm cá về nhiều thiệt nhiều nhưng toàn cá nhỏ xíu, cỡ đầu ngón tay, làm lâu ơi là lâu mới được một ký,…

Vất vả là vậy nhưng bỏ nghề thì không ai chịu bỏ, vì làm cái này vui, anh chị em gom lại, vừa làm vừa nói chuyện rom rả một khoảng nhà xưởng, vì làm cái này quen, làm nghề khác năng suất lại không bằng, vì làm cái nghề này yêu, yêu mùi tanh tanh, thum thủm, yêu những lúc con cá do mình chẻ ra được đóng gói, đi tận trời Tây chớ bộ. Vì không làm nghề này thì ai làm nghề này, không làm nghề này thì không có doanh nghiệp nào mở nữa, không làm nghề này các ghe tàu chở cá vào bán đi đâu, không làm nghề này thì … lấy đâu ra một cái nghề để lành tay lành chân truyền cho con cháu. Thấy nghề này cực thì cực vậy chớ cũng quý, cũng quan trọng, cũng góp phần phát triển nước mình lắm chớ bộ, cá xuất đi cũng mang nhãn hiệu của Việt Nam mà.

Nằm dọc sông Tiền cách biển chỉ 5km, làng nghề chài lưới xã Bình Thắng hình từ rất lâu đời. Từ những ghe nhỏ đánh bắt xa bờ, nhiều ngư dân đóng ghe lớn, sắm các ngư cụ hiện đại để đánh bắt xa bờ với sản sản lượng ngày càng tăng. Khi sản lượng tăng, người dân nơi đây sản xuất cá khô, mực khô để được bảo quản lâu hơn, sản phẩm đưa đi xa hơn. Nhiều ngư dân cố cựu ở đây cho biết, cách đây khoảng 50 năm người dân tại đây đã sản xuất cá khô để cung ứng cho các chợ trong vùng tiêu thụ. Từ từ, làng nghề cá khô hình thành và phát triển cho đến ngày nay với sản lượng khá lớn và tiêu thụ khắp các tỉnh trong khu vực.

Năm 2007, Làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng được UBND tỉnh công nhận là làng nghê truyền thống. Hiện tại, làng nghề 23 hộ sản xuất với sản lượng bình quân khoảng 300kg cá khô/ngày. Ông Nguyễn Hồng Hải - Chủ tịch UBND xã Bình Thắng cho biết: “Làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng hoạt động quanh năm nhưng những tháng cuối năm là nhộn nhịp nhất, hầu hết các hộ dân đều trữ hàng để bán trong dịp Tết. Khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều cơ sở chế biến tại làng nghề đã đầu tư máy hút chân không, kho lạnh lạnh để bảo quản sản phẩm, phục vụ người tiêu dùng”.

Ông Võ Hoàng Đông - Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Đại cho biết: “Năm nay, tổng lượng hải sản về cảng cá khoảng 27 ngàn tấn với 1.975 lượt tàu. Tại cảng cá có 4 đại lý lớn chuyên thu mua hải sản từ các tàu đánh bắt xa bờ, từ các đại lý này sẽ cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến cá khô và các vựa cá để bán ra thị trường. Hiện tại, làng nghề cá khô và cảng cá Bình Thắng giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 700 lao động tại địa phương”.

Từ làng nghề truyền thống với hầu hết các công đoạn đều làm thủ công, được người dân làng nghề áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để làm ra sản phẩm ngon hơn, đưa đi xa hơn vì bảo quản được lâu. Hiện tại, người dân không chỉ mở rộng sản xuất mà hướng đến sản phẩm sạch nhằm phục vụ thị hiếu của người tiêu dùng. Những con cá tươi ngon, qua bàn tay khéo léo của bà con làng nghề đã biến thành món cá khô thơm ngon và là đặc sản của huyện Bình Đại. Nhiều khách phương xa không thể nào quên hương vị rất dân dã, mộc mạc của món khô cá lù đù, mực một nắng, cá chỉ vàng, cá lưỡi trâu, cá đục... được sản xuất tại đây. Sản phẩm từ làng nghề cũng ngày một vươn xa để đáp ứng nhu cầu thị trường và đặc biệt là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán.