THÁC BẢN GIỐC - TUYỆT TÁC PHONG CẢNH CAO BẰNG

1. ĐÔI NÉT VỀ CAO BẰNG, THÁC BẢN GIỐC

Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở vùng Đông Bắc, phía Bắc và Đông Bắc giáp Quảng Tây (TQ), đường biên giới dài trên 333 km, phía Tây giáp 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, phía Nam giáp 2 tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn.

Bản Giốc là một thác nước mang đậm nét hùng vĩ của thiên nhiên, nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn. Con thác này mang trên mình hai nhiệm vụ, vừa là “món quà” của thiên nhiên, vừa là “đường biên giới” tự nhiên giữa Việt Nam và Trung Quốc. Một cách để ta phân định chủ quyền của thác Bản Giốc là nhìn từ phía dưới chân thác, phần thác bên trái và nửa phía Tây của thác bên phải thuộc chủ quyền của Việt Nam tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng; nửa phía Đông của thác bên phải thuộc chủ quyền của Trung Quốc tại thôn Đức Thiên, trấn Thạc Long, huyện Đại Tân, thành phố Sùng Tả.

thác bản giốcThác Bản Giốc được nhìn từ trên cao

Tại khu vực Đông Nam Á, đây là một trong những thác nước tự nhiên được công nhận là lớn nhất. Để chứng minh cho điều này, chỉ cần đứng từ phía xa cách vài chục mét, bạn đã dễ dàng nghe thấy tiếng thác nước đổ xuống ầm ầm. Thác Bản Giốc ở Việt Nam được chia thành hai nhánh. Đầu tiên, với nhánh lớn có độ cao thấp, dòng nước sẽ chảy qua từng bậc đá vôi có độ cao tương ứng. Nhánh còn lại tuy nhỏ hơn nhưng lại cao hơn, dòng chảy nhẹ dịu, hiền hòa giống tựa suối tóc óng ả của nàng thiếu nữ tuổi cập kê đang e lệ.

Phần thác chính rộng khoảng 100m, cao 70m và sâu 60m. Với góc độ toàn cảnh từ xa, thác nước đổ xuống tạo một vùng bọt nước trắng xoá, mang cho ta cảm giác hoang sơ nhưng vô cùng tráng lệ. Phần giữa con thác, một mô đá nhô lên, được bao phủ bởi những cành cây khô đã xẻ dòng nước thành ba luồng như ba dải lụa trắng vắt ngang núi rừng. Vào những hôm nắng đẹp trời, những tia sáng ấy chiếu vào dòng thác cộng hưởng với làn nước bụi mịt mờ tạo nên những chiếc cầu vồng sắc màu, lung linh huyền ảo. 

Dưới chân thác là một dòng sông rộng, mặt nước phẳng lặng như gương. Nơi hai bên bờ là những thảm cỏ trong trẻo còn đọng hơi sương, từng vạt rừng rậm xanh ngắt. Thắng cảnh này quả thật là một chốn tiên bồng có thực tại trần gian. Du khách có thể dễ dàng đi dạo xung quanh chân thác, ngắm nghía và cho ra đời những bức ảnh đậm chất nghệ thuật cùng núi rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, ngay dưới chân thác Bản Giốc phụ còn có một chiếc đập nhỏ. Dòng nước trong vắt, không vướng chút bụi trần từ thác sẽ chảy vào đây. Ngoài ra, để có thêm nhiều sự trải nghiệm độc đáo và trực tiếp với dòng nước, bạn có thể ngồi trên những chiếc bè nổi du ngoạn sông Quây Sơn.
 Ngày đêm thác nước cuồn cuộn đổ xuống những tảng đá phẳng làm tung lên vô vàn hạt bụi trắng toả mờ cả một vùng rộng lớn. Thác Bản Giốc lúc nào cũng vậy, sự dữ dội, hùng vĩ luôn đan xen với nét mộng mơ đầy hiền hòa. Đối với những người ưa mạo hiểm, thích ngắm nhìn những cảnh oai hùng của thiên nhiên thì mùa mưa, mùa nước đổ tại nơi con thác này quả là một sự trải nghiệm cần có trong cuộc sống. Hãy đến với thác Bản Giốc một lần, bạn sẽ thu thập thêm cho mình một trải nghiệm thú vị khi tận hưởng tiên cảnh chốn nhân gian.

2. THỜI GIAN LÝ TƯỞNG DU LỊCH

 Khí hậu Cao Bằng chia làm 2 mùa rõ rệt là mùa mưa, kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 và mùa khô khéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Nếu các bạn có ý định du lịch thác Bản Giốc thì nên đi vào khoảng tháng 8-9, lúc này thác nhiều nước sẽ rất đẹp.
- Mùa hè nắng nóng có thể khiến tour du lịch của bạn có phần mệt mỏi. Vậy nhưng, du lịch Cao Bằng mùa hè không phải không có sự thú vị riêng của nó. Bạn có thể trốn nắng ở nơi núi rừng bạt ngàn, ngồi hóng gió ngắm suối reo cá nhảy. Đặc biệt hơn, mùa hè cũng là mùa mận chín thơm khắp núi rừng Cao Bằng. Bạn sẽ tha hồ thưởng thức mận rừng và các loại quả mùa hè ở miền biên ải này.

vẻ đẹp thác bản giốcVẻ đẹp Thác Bản Giốc hiếm có nơi nào sánh bằng

- Nếu thích đi Cao Bằng ngắm hoa, các bạn có thể đi vào tầm cuối năm khoảng tháng 11, lúc này là mùa hoa Tam Giác Mạch (tương đương với mùa hoa Tam Giác Mạch ở Hà Giang).
- Nếu thích ngắm băng tuyết, các bạn nên đi vào mùa đông (cuối năm trước đến khoảng đầu năm sau), thời điểm này ở phía rừng Phia Oắc nhiệt độ hạ thấp nên rất có thể xảy ra hiện tượng này.

3. PHƯƠNG TIÊN DI CHUYỂN

Thành phố Cao Bằng cách thủ đô Hà Nội khoảng 280km, vì khoảng cách khá xa nên tốt nhật bạn nên bắt xe khách từ bến xe Mỹ Đình khởi hành lúc 8h tối để lên TP. Cao Bằng, sau đó tiếp tục đón xe lên Trùng Khánh và đi xe ôm khoảng 20km nữa là đến thác Bản Giốc đi sẽ đỡ mệt. Từ TP.HCM, Đà Nẵng hay Cần Thơ muốn đến với Cao Bằng bạn sẽ đáp chuyến bay đến Hà Nội và sau đó tiếp tục hành trình đến với Cao Bằng.
Nếu sử dụng phương tiện xe máy hoặc ô tô cá nhân đi phượt Cao Bằng, các bạn có thể nghiên cứu một trong 2 phương án gợi ý dưới đây:
• Đi từ Hà Nội theo hướng Quốc lộ 3 qua Thái Nguyên, Bắc Kạn. Đi đường này các bạn có thể kết hợp du lịch Thái Nguyên hoặc du lịch Bắc Kạn, đặc biệt là có thể kết hợp đi du lịch Hồ Ba Bể.
• Đi từ Hà Nội theo hướng Quốc lộ 4 đi Lạng Sơn, kết hợp ghé qua du lịch Mẫu Sơn rồi đi theo hướng Đông Khê, Thất Khê để sang Cao Bằng.

4. CÁC ĐỊA ĐIỂM NỔI TIẾNG

  • Động Ngườm Ngao
    Động Ngườm Ngao nằm sâu bên trong một ngọn núi, thuộc bản Gun, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Động có chiêu dài 2144m gồm ba cửa chính Ngườm Ngao, Ngườm Lồm, và Bản Thuôn. Được đánh giá là một trong những hang động đẹp nhất Việt Nam. Được hình thành từ sự phong hóa của đá vôi trải qua hàng triệu năm. Theo tiếng Tày Ngườm Ngao có nghĩa là Cọp hay còn gọi “hang giữa thung lũng đá” được người dân Trùng Khánh phát hiện năm 1921.
    Đi sâu vào bên trong, bạn sẽ được chiêm ngưỡng kiệt tác thiên nhiên những nhũ đã muôn hình vạn trạng, được tạo thành bởi những giọt nước đọng lại trải qua hàng trăm triệu tạo nên. Bạn sẽ được nghe tiếng nước chảy róc rách, rất vui tai, đây được xem là “máy điều hòa tự nhiên” cho toàn bộ không gian bên trong động.
  • Hồ Thang Hen
    Hồ Thang Hen gồm 36 hồ tự nhiên, mỗi hồ cách nhau khoảng vài chục hoặc hàng trăm mét, nằm biệt lập giữa thung lũng rộng lớn tiếp giáp giữa hai xã Quốc Toản (Trà Lĩnh) và xã Ngũ Lão (Hòa An). Mỗi tên hồ ở đây được người dân địa phương đặt cho một cái tên riêng như: Thang Vạt, Nà Ma, Thang Loỏng, Thang hoi… Hồ Thang Hen có chiều dài 2000m, rộng 50m, nằm lọt thỏm trong thung lũng sâu, bao phủ xung quanh là những tán rừng già, xen lẫn nhưng mỏ đá tai mèo, hồ sâu 40m. Trong tiếng Tày Thang Hen có nghĩa là đuôi ong, bởi nhìn từ xa bạn sẽ thấy hồ uốn lượn cong như đuôi con ong. Đặc biệt, nơi đây được thiên nhiên ban tặng cho nhiều sản vật, tôm cá như: các loại tôm, tép, cá chép vây đỏ, cá nheo…
    Vào sáng sớm, khung cảnh hồ chìm trong sương sớm bồng bềnh, tựa như hững đám mấy đang bay lượn. Thượng nguồn hồ sâu 200m, cao 5m chảy thẳng từ đỉnh núi xuống. Nước hồ quanh năm chảy không dứt, xanh ngắt mỗi năm có hai đợt thủy triều lên xuống vào khoảng tháng 9 đến tháng 10. Đêm đến nước rút cạn, ban ngày nước lại dâng lên cao. Hồ không có mùa khô, không có lũ lụt.
  • Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc

Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc được xây dựng khang trang trên ngọn núi Phia Nhằm, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh), cách thác Bản Giốc khoảng 500m. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc thuần Việt, gồm các hạng mục: Cổng tam quan, lầu chuông, lầu trống, bia đá và tam bảo, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, đền thờ các anh hùng dân tộc, Nam Việt Triệu Tổ Hùng Vương các đời, nhà khách cùng các hạng mục cảnh quan phụ trợ. Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc có tầm quan trọng trong việc phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc thành Khu du lịch trọng điểm quốc gia.

  •  Khu di tích Pác Bó
    Địa danh này gắn liền với cuộc đời Bác Hồ sau khi từ nước ngoài về nước hoạt động cách mạng, khu di tích Pác Bó đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Toàn bộ khu di tích gồm có hang Pác Bó, suối Lê Nin, nhà tượng niệm Bác Hồ, hang Lũng Lạn, hang Ngườm Vài, bàn đá nơi Bác làm việc, nền nhà ông Lý Quốc Súng. Đến đây bạn sẽ được biết thêm về cuộc đời hoạt động cách mạng và nếp sống giản dị của Bác Hồ.

vẻ đẹp hùng vĩ

Thả mình trên ghế ngắm thác Bản Giốc là một điều không thể bỏ qua khi du lịch tại Cao Bằng

5. LƯU Ý

- Đi du lịch Cao Bằng bạn nên mang theo đầy đủ giấy tờ, bằng lái xe và phải chạy thật cẩn thận vì hầu như đường ở đây khá ngoằn ngoèo và đèo dốc.
- Du lịch Cao Bằng mùa hè khá nóng bức, bạn cần chuẩn bị cho mình đầy đủ áo chống nắng, kem chống nắng, mang trang phục nhẹ nhàng, thoáng. Bạn cũng nên chuẩn bị một số thuốc cá nhân để phòng bệnh cảm do thay đổi thời tiết.
- Bạn nên chuẩn bị một số đồ ăn khô như bánh ngọt, lương khô, nước uống… khi du lịch thác Bản Giốc. Đồng thời nên ăn uống đầy đủ ở Trùng Khánh trước khi đến thác, bởi khu vực này không có hàng quán, đồ ăn cũng không phong phú. Đặc biệt, nếu muốn ăn thì phải đặt trước, bởi ở đây không có chợ mà phải xuống Trùng Khánh để mua nên chuẩn bị rất lâu.
- Có một vài phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng mà các bạn cần biết để tránh các điều kiêng kị, nhất là khi vào thăm các bản làng hay ở các dịch vụ homestay:
+ Khi vào nhà, nếu thấy ở cửa nhà, đầu cầu thang có cắm một cành lá xanh, đó là dấu hiệu không muốn người lạ vào nhà.
+ Trong nhà, bàn thờ thường để ở gian giữa nhìn ra cửa chính. Khách khi đến chơi cần tránh đến gần, không đặt các vật dụng cá nhân, không sờ tay lên đồ thờ cúng. Nữ giới không được ngồi quay lưng vào bàn thờ.
+ Người Nùng thường đặt ống hương ở ngoài sàn để cúng ma gầm sàn, người lạ không đến gần ống hương đấy.
+ Người Tày có tục thờ Phi Phỉng Phjầy (ma bếp lửa), khách đến cần tránh việc to tiếng hay cãi lộn bên bếp lửa.

Nguồn: Wiki Travel