can tho mekong tour, an nam travel

Explore Mekong Delta With Local Experience

BÚN CÁ HIẾU THUẬN - ĐẶC SẢN LONG XUYÊN.

Món ăn này đã trở thành một trong những niềm tự hào của bà con tại miền Tây nói chung và còn cả vùng Long Xuyên, An Giang nói riêng.

Nói về các món đặc sản của miền Tây thì quá nhiều, đến mức bây giờ bất thình lình bắt tôi ngồi kể ra vài món "nhất định" phải thử một lần thì thật sự cũng chẳng biết phải kể từ đâu. Nhưng rồi trong một lần nghe đứa bạn cùng phòng gốc miền Tây hỏi: "Mày viết bài nhiều thế có bao giờ ăn món bún cá Long Xuyên quê tao chưa? Ở dưới có một hàng "bún cá kỷ lục" nổi tiếng lắm. Ăn rồi nhớ quài (tiếng vùng miền) luôn".

Và thật vậy, bún cá là một trong những món đặc sản phải thử khi về Long Xuyên, An Giang.
Tuy nhiên có một điều không phải ai cũng biết, đó là bún cá ở Long Xuyên hay miền Tây đều không phải là đại diện chung cho món bún cá. Thậm chí món ăn này cũng không phải do người Việt sáng tạo 100%, mà xuất phát từ Campuchia, được những người Khmer xa xưa đến nước ta sinh sống mà hình thành. Sau một thời gian dài cộng cư và cận cư cùng người Kinh, món ăn này đã có những thay đổi, biến tấu khác nhau tùy vào từng đặc điểm vùng miền, cũng như thói quen ăn uống của cộng đồng tại đó.

Bún cá là một trong những món ăn nổi bật của miền Tây.

Đấy là lý do vì sao mà nếu để ý kỹ, chúng ta sẽ thấy có nơi nấu bún cá lại thêm hải sản, có nơi thêm thịt heo quay hay chả là thế. Điều này khiến món bún cá ở mỗi vùng mỗi miền mang một nét đặc trưng lẫn đặc sắc riêng.

Nhưng điểm chung nhất và cũng là thứ làm nên sự thành công của món bún cá đó chính là ở phần nước lèo được nấu bằng các loại gia vị đặc biệt như: mắm ruốc, mắm cá linh, củ ngải bún, sả, cùng chút củ nghệ tạo mùi thơm và màu vàng đặc trưng.

Riêng ở Long Xuyên quê con bạn tôi thì người ta chỉ nấu bún cá với thịt cá lóc và 1001 thứ rau sống đậm chất miền Tây để làm món ăn kèm không thể thiếu.

Trở lại với lời kể của cô bạn cùng phòng, tôi đã tìm về Long Xuyên, An Giang để dò hỏi và phát hiện đây là hàng bún cá tên Hiếu Thuận nằm trên đường Lê Lợi thuộc phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên, An Giang.

Vào năm 2012, Kỷ lục Việt Nam đã công bố món bún cá trở thành 1 trong 50 món đặc sản nổi tiếng nhất và kỷ lục đó đã được xác lập tại chính hàng bún cá này, được nấu qua chính đôi bàn tay khéo léo của vợ chồng cô Trần Thị Trong và chú Trần Khắc Hùng.

Đồng lòng suốt 30 năm, hai thầy cô giáo ở miền Tây làm nên món ăn được xác lập kỷ lục 50 món đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam, bất ngờ về người nắm giữ công thức bí mật! 
Cô Trong và chú Hùng - 2 người chủ tiệm " bún cá kỷ lục" tại Long Xuyên, An Giang.

Kể về kỷ lục năm đó, cô Trần Thị Trong cho biết: "Đây là niềm hạnh phúc rất lớn không chỉ cho gia đình tôi mà còn là của người dân tại Long Xuyên, An Giang. Bởi nấu ngon đã khó, mà còn phải nấu làm sao để chính món ăn đó được mọi người công nhận và được xem như một món ăn đại diện cho vùng thì là chuyện không phải dễ. Làm sao giữ được hương vị như đúng như ông bà ngày xưa và hợp với khẩu vị của đại đa số ngày nay mới là quan trọng nhất."

Ngoài ra đại diện phía lập kỷ lục ngày xưa cũng tiết lộ với cô chú rằng họ rất xem trọng chất lượng nguồn nguyên liệu làm ra món ăn. Chúng phải tươi và đảm bảo sạch ở mức tốt nhất thì mới đủ "điểm" hoàn thành. Trong khâu chấm điểm, ngoài ý kiến và đánh giá chuyên môn, phía Kỷ lục còn cho người dân trong vùng ăn và bình chọn để có được kết quả khách quan nhất có thể.

Tấm bằng xác lập kỷ lục hiện vẫn được treo rất trang trọng trong quán.

 

Cũng từ khi được xác lập kỷ lục đến nay, bà con trong vùng thường gọi hàng bún này là "Bún cá kỷ lục" hay dùng ngay cả khi giới thiệu đến khách du lịch bốn phương như một niềm tự hào của xứ ẩm thực miền Tây nói chung và vùng Long Xuyên, An Giang nói riêng.

Nhưng ai mà có ngờ, người làm rạng danh món bún cá không phải "đầu bếp" mà là hai thầy cô giáo!
Đó là cái duyên mà cũng là cái "nợ"...

Cô Trong kể hơn 30 năm trước vốn dĩ cả hai vợ chồng đều là giáo viên, thầy Hùng còn là thành viên Ban giám hiệu của một trường học. Đến năm 1990, hai vợ chồng cô mới bắt đầu nghĩ đến việc mở thêm hàng bún cá để ngoài việc dạy học còn có "nghề tay trái" kiếm thêm thu nhập.

Cô Trong hiện đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn rất khỏe mạnh, dịu dàng, hỗ trợ chú Hùng quán xuyến quán suốt hơn 30 năm.

 


Cô Trong hay đùa vui: "Ăn bún cá nhiều rau vào sẽ được trẻ khỏe như cô đây".

Mà như ai cũng biết, cái nghề bán đồ ăn - thức uống đâu phải nhàn!? Nó cực đến nỗi phải ai thật sự trải qua rồi thì mới hiểu có khi mất cả ngày trời mà vẫn chưa đâu vào đâu. Nào là đi chợ, cắt gọt, sơ chế, tẩm ướp rồi nêm nếm,... chưa kể dọn hàng, dẹp hàng. Nhưng sáng thầy cô còn phải đi dạy, phải lên trường nên thường thay ca cho nhau mỗi người một việc. Thoắt cái mà cả 2 người duy trì suốt 30 năm, mãi đến năm 2018 thì thầy cô mới chính thức về hưu để tập trung cho tiệm bún và xem nó như thú vui cuộc sống tuổi về già.

Người miền Tây thường dùng cá lóc, và với họ đầu cá là bộ phận ngon nhất nên sẽ kêu riêng một phần ăn cho đã.

 


Cô Trong nói: "Để nấu được nồi bún cá ngon thì phải qua rất nhiều công đoạn, nhưng quan trọng nhất là khâu làm cá. Cá lúc mua phải tươi, rồi mang về phải làm sạch rồi sửa rất kỹ cho cá bớt tanh. Khi tẩm ướp phải cho cá thêm chút sả, nghệ vừa là để tạo màu, vừa giúp cá khử tanh. Luộc xong thì phải gỡ thịt bằng tay. Phải thật là khéo thì miếng nạc cá mới còn giữ nguyên vẹn, không bị bể nát.

Ngoài ra bún cá ở miền Tây hầu hết mọi người chỉ dùng cá lóc. Vì loại cá này ngọt thịt, không quá tanh, nạc nhiều ăn lại lành tính. Hầu như già trẻ, bé lớn ai cũng dùng được".

Tô "bún cá kỷ lục" đã được hoàn thành với bông điên điển ăn kèm.

Còn về rau thì ở đây cứ "mùa nào thức đó"! Hiện tại đang rộ bông điên điển nên ngoài rau răm, bắp chuối, bắp cải, rau muống,... thì mọi người còn hái thêm bông điên điển vào ăn kèm. Vừa làm tăng thêm màu sắc vàng đặc trưng của bông, lại còn thơm ngon, có vị đắng nhẹ của cuống bông ngon một cách khó tả.

Như những gì đã chia sẻ ở trên thì chắn chắn công thức làm nên món "bún cá kỷ lục" này tưởng dễ nhưng hoàn toàn không phải dễ. Đó là sự nghiên cứu, tìm tòi mất rất nhiều thời gian và kinh nghiệm để đúc kết rồi kết hợp với khả năng xử lý nguyên liệu, cách nấu và chế biến kỹ lưỡng thì mới có thể làm nên thành công. Tuy nhiên cô Trong lại bật mí với chúng tôi rằng: "Nhiều người tới đây cứ tưởng cô là người làm ra món bún cá nhưng thực chất là do thầy cả..."

Chú Hùng tuy ít nói, nhưng lại là người đàn ông vô cùng khéo léo, giỏi việc ngoài lẫn chuyện bếp núc.

 


Ừ thì cũng đúng, bởi việc buôn bán hàng ăn, nấu nướng như thế này thường người ta khi nhìn vào sẽ nghĩ ngay là do chị em phụ nữ làm hết. Vậy mà có ngờ đâu: "Ngày xưa khi mới bắt đầu dọn hàng bún ra bán chính thầy là người đã dùng công thức gia truyền của gia đình để hướng dẫn và chỉ lại cho cô. Ngay cả việc đi chợ, chế biến món ăn toàn bộ là thầy truyền lại rồi cô mới làm theo. Tụi con đừng thấy chú hiền hiền, ít nói mà không biết làm gì. Vậy đó mà cái gì cũng biết làm, nấu ăn lại khéo hơn cả cô".

ĐỊA CHỈ: 18/2A Lê Lợi, P. Mỹ Bình, Thành phố Long Xuyên, An Giang
ĐIỆN THOẠI: 0919.126 953