DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA "NGHỀ GÁC KÈO ONG"

Không biết có từ bao giờ mà nghề Gác kèo ong đã gắn sâu vào đời sống của người dân vùng rừng tràm U Minh Hạ Cà Mau. Cho đến hôm nay, những người sinh ra và lớn lên trên xứ xở rừng tràm này chắc không ai không biết nghề Gác kèo ong. Từ thời đi khẩn hoang, mở đất của cha ông, cây tràm đã có mặt khắp nơi trên vùng đất này. Lúc đầu, người ta chỉ biết lấy mật ong trong thiên nhiên, nghĩa là ong tự đóng tổ rồi con người tìm đến để lấy mật mang về. Lâu dần, bằng những kinh nghiệm dân gian, người dân miệt rừng U Minh nghĩ ra cách gác kèo để ong về xây tổ. Và từ đó, nghề gác kèo ong đã được ra đời.

 

Để dẫn dụ ong về xây tổ, đòi hỏi người thợ phải có nhiều kinh nghiệm trong nghề gác kèo ong. Trong đó, việc đầu tiên là phải biết chẻ kèo, đẻo kèo, biết chọn trảng, chọn luồng, dựng nóng. Việc chọn trảng thường là những nơi có sậy nhưng phải thấp hơn ngọn tràm. Trảng phải có khoảng trống, diện tích rộng, có luồng sáng để ong định hướng đi lấy mật. Đối với nghề gác kèo ong việc chọn trảng là vô cùng quan trọng. Nơi chọn trảng để gác kèo ong phải bằng phẳng và làm thế nào mặt nước được phản chiếu ánh sáng của mặt trời tia đều vào tấm kèo thì mới có thể dẫn dụ được ong về xây tổ. Đặt kèo xong, người thợ phải biết cách tủ chà và luôn giữ cho kèo đứng vững. Những người thợ giỏi, tỉ lệ gác kèo ong về xây tổ đạt trên 80% kèo đã gác. Thông thường, ong tơ (ong mới tách đàn) thì không kén kèo, còn ong lớn thì rất kén kèo, kén trảng.

 


Sau một mùa lấy mật, người thợ thường không di dời kèo mà chỉ dọn trảng, thay kèo. Kinh nghiệm của những người thợ gác kèo ong cho biết: Năm nào gió lớn thì ong xuống kèo thấp, năm nào gó nhỏ thì ong xuống kèo cao.


Thông thường, vào khoảng tháng 10 âm lịch hàng năm, những đàn ong mật bắt đầu đi tìm nơi xây tổ (người ta còn gọi đây là mùa ong hạn). Vào thời điểm này, những người thợ đi gác kèo ong phải sửa kèo, dọn trảng, cắt tàn ong cũ, cạo sáp… để ong về xây tổ. Sau khi ong về xây tổ, khoảng 20 đến 25 ngày nếu bông tràm trổ tốt và chuyển sang màu cỏ úa thì những tổ ong ấy đã đầy mật. Lúc đó, những người thợ gác kèo ong cơm nước, khăn gói vào rừng để “ăn ong”.

 

Để cắt được những tổ ong đầy mật, những người thợ gác kèo ong phải cắt những nhỏ gừa (hay còn gọi là rễ gừa) đập nhuyễn, phơi khô, sau bó thành đuốc hun khói. Những con ong mật rất “kỵ” hơi khói này và chỉ cần thổi nhẹ một luồng khói nhỏ gừa vào thì ong đã say khói và bay ra khỏi tổ. Những bó đuốc kiểu này rất có hiệu quả khi “ăn ong” nhưng dễ gây ra cháy rừng. Về sau, người thợ gác kèo ong thay đuốc nhỏ gừa bằng bình hun khói đễ khỏi gây cháy rừng. Khi ong bay ra khỏi tổ, thợ gác kèo dùng dao cắt “cục mứt” (phần chứa nhiều mật) mang về và chỉ để lại một phần tổ cho đàn ong tiếp tục công việc xây tổ của mình.

 


Khi cắt được những miếng tàn ong đầy mật mang về, những người gác kèo ong dùng tay vắt lấy mật. Mỗi tổ ong thường “ăn” được 3 – 4 lần thì ong bỏ đi nơi khác. Mỗi lần ăn ong, người ta lấy được hàng chục, hàng trăm lít mật. Nhiều lão nông ở miệt rừng U Minh Hạ kể lại rằng: Trong những thập kỷ 40 – 50 của thế kỷ trước, mật ong lấy về người ta chỉ biết chứa trong mái vú, mái bâu. Mật ong là thứ nguyên liệu quý trong y học, chế biến thực phẩm. Ong non là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Những năm trúng mùa, người ta còn dùng ong non để nấu cháo, làm gỏi, làm mắm ong. Phần còn lại của tổ ong (gọi là sáp) làm nguyên liệu sản xuất đèn cầy, đèn thắp sáng.

 


Tuy không có ai quy định nhưng những người thợ gác kèo ong cũng có những quy ước cụ thể cho riêng mình. Đã từ lâu, do phân chia địa bàn để gác kèo ong nên những người thợ này thành lập nên những tập đoàn Phong Ngạn. Mỗi tập đoàn Phong Ngạn chỉ được gác kèo trên lâm phần mình quản lý, không được gác kèo qua những khu rừng khác. Mỗi tập đoàn Phong Ngạn thường có từ 15 đến 30 tập đoàn viên, thường là dòng họ và dân cư trong thôn xóm. Khi gác kèo, tập đoàn viên phải đăng ký ký hiệu với tập đoàn trưởng và phải khắc ký hiệu ấy vào mỗi cây kèo. Trong gác kèo ong cũng có những trường hợp cá biệt là tập đoàn viên ăn trộm kèo ong của nhau. Những trường hợp này, tập đoàn Phong Ngạn xử lý bằng cách xó tên, khai trừ tập đoàn viên ấy ra khỏi tập đoàn Phong Ngạn. Số kèo còn lại thì tất cả tập đoàn viên trong tập đoàn có quyền sửa kèo đó thành kèo của mình. Nhờ những quy định đó mà nghề gác kèo ong đã hạn chế được tình trạng trộm cắp kèo lẫn nhau.

 


Gác kèo ong là một trong những nghề rất đặc biệc được truyền từ đời này, sang đời khác và là một trong những nét văn hóa đặc sắc của cư dân vùng rừng tràm U Minh Hạ Cà Mau. Nghề gác kèo ong ở U Minh cần được tiếp tục giữ gìn và phát triển nhưng thời gian sẽ tiêu hủy tất cả nếu như không có những cuộc hồi sinh cho rừng.